Bài giảng của một sư thầy có thể sẽ khiến ta cảm thấy ân hận nếu có lỡ đã từng làm gì không phải với bố mẹ…
Đầu tiên xin được hỏi, có ai thật sự chưa từng bao giờ làm điều gì có lỗi với cha mẹ, chưa từng bao giờ to tiếng, cáu gắt với cha mẹ hay chưa? Tôi nghĩ nếu có, con số này vô cùng vô cùng ít, trong khi chúng ta – những người con đang vô tình làm tổn thương bố mẹ mỗi ngày. Chúng ta thường quẩn quanh với những câu chuyện tình yêu, đau khổ vui buồn chỉ xoay quanh một người xa lạ, mong chờ một cuộc gọi, một tin nhắn của người mình thương.
Giữa những bộn bề của cuộc sống, giữa những bận rộn, xao nhãng của những đứa trẻ chưa kịp trưởng thành, chúng ta đã bỏ quên đi nhiều thứ. Câu chuyện dưới đây của vị sư thầy trong một bài giảng sẽ khiến bạn ân hận vì có lỡ làm gì không phải với bố mẹ.
Mặt trời chỉ có một mà thôi, và bố mẹ cũng chỉ có một trên đời... (Ảnh minh họa)
Trong lúc cho con ăn thì bà mẹ hát: 'Con ơi con, cháo này thật là ngon, ăn đi con'. Lúc đó ông bố phụ họa vào: 'ồ yé, ồ yé, yé', thì mọi người trong lúc đang đứng chờ đèn đỏ nhìn thấy rất mắc cười.
Bà mẹ lại tiếp tục hát: 'Con ơi con, cháo này thật là ngon, ăn nữa nha con', ông bố lại tiếp tục 'yé yé, ồ yé yé'. Còn đứa con lại rất khó chịu, đưa một muỗng cháo vào lại nhổ ra. Bố mẹ bây giờ cảm thấy cách này là bất lực rồi.
Bà mẹ lại tiếp tục hát 'Kìa con bướm vàng kìa con bướm vàng', bố lại múa phụ họa, xoay xoay muốn té luôn. Đứa con vẫn không chịu ăn.
Lúc này bà mẹ mới nghĩ ra một cách, mẹ làm xiếc, bố làm ảo thuật. Mẹ trèo lên lan can của công viên đi thăng bằng, bố làm ảo thuật chíu chíu ra một bông hoa, nhưng đứa con không chịu ăn. Rồi tôi thấy rằng ông bố, bà mẹ làm đủ các cách hết mà con vẫn không ăn.
Nhiều ông bố, bà mẹ phải làm đủ mọi cách để dỗ cho con ăn.. (Ảnh minh họa)
Nên tôi nói với các bạn rằng, nếu có một cuộc thi Got talent, X-factor… thì cha mẹ là người chắc chắn đạt giải Nhất. Bởi vì cha mẹ là người biết trình diễn nhiều thể loại nhất, nhiều hình thức nhất, nói nhiều ngôn ngữ nhất. Cha mẹ quá tuyệt vời, và không bao giờ ngại ngùng, xấu hổ khi biểu diễn tài năng đó với chúng ta.
Nhưng các bạn biết không, chúng ta là những khán giả vô cùng khó chịu, vô cùng cực đoan, là những ban giám khảo vô cùng khó tính. Chúng ta chưa bao giờ chấm được cho cha mẹ một điểm xuất sắc, chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến sự tuyệt vời, sự biểu diễn tuyệt vời của cha mẹ, chưa bao giờ thần tượng với bố mẹ.
Tôi đi ngoài đường thấy các bạn trẻ đeo ba lô, để trong ví hình ảnh Kim Tae Hee, Bi Rain, Lady Gaga… Có ai mang theo trong ví tấm hình của mẹ, có ai trong phòng mình treo tấm hình của cha mẹ không? Trong khi cha mẹ của chúng ta là người tuyệt vời nhất. Và đó chính là người chúng ta phải thần tượng, tôn thờ…'
Có nhiều khi chúng ta bỏ quên những tình cảm thiêng liêng với cha mẹ, bỏ quên những hy sinh thầm lặng của cha mẹ. Chúng ta luôn lấy hàng ngàn lý do để biện minh cho sự vô tâm ấy: 'vì tính cách, vì công việc, học hành quá bận, vì những mối quan hệ khác luôn vây quanh, vì…'.
Chúng ta đôi khi cáu gắt vì cha mẹ già rồi không tiếp thu hết được những điều chúng ta truyền đạt, trong khi cha mẹ đã nhẫn nại dạy chúng ta từng phát âm một thuở còn thơ.
Nhớ đến đây, tôi chợt nghĩ về vài câu chuyện khác:
Vòng cẩm thạch
Cha kể, cha ước ao tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường... Đến lúc tay mẹ sạm đen, mẹ vẫn chưa một lần đeo.
Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía cười: 'Mẹ già rồi, tay run lắm chỉ nhìn thôi cũng thấy vui'. Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.
Mùa thi
Ngày tôi thi tú tài, ba đạp xe hơn chục cây số, chờ tôi ngoài trường thi cả buổi, cốt để hỏi:
- Con làm bài tốt không?
Sợ ba nhọc lòng, tôi nói:
- Ba chờ ngoài này, có khi con lại lo, không làm bài được.
Buổi thi cuối, ra cổng không thấy ba, hỏi chú Bảy còi:
- Ba con có đến không?
Chú đưa tay chỉ cây bàng phía xa mươi mét bảo:
- Ổng ở đằng kia, tao biểu đến ổng không chịu.
Có ai mang theo trong ví mình một tấm hình của mẹ, của cha? (Ảnh minh họa)
Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm. Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: 'Bạn gái con xinh.'
Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo: 'Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…'
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son là gì.
Nhớ mẹ
Dưới quê học hành khó khăn nên mới lớp 2, thằng Út đã được gởi lên thành phố ở với chị Hai.
Lâu lắm mẹ mới ra thăm. Lần nào chị Hai cũng nhằn vì mẹ cứ nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày, lại vứt bã trầu lung tung. Lần nào cũng vậy.
Đưa mẹ ra bến xe về quê xong, chị Hai về thấy nhà vắng ngắt. Tìm mãi mới thấy thằng Út đứng khóc sau kẹt cửa, tay cầm mấy cái bã trầu khô.
Nó
Ba nó bỏ nó lúc nó còn đỏ hỏn. Mẹ và ngoại nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm. Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái dỗ dành 'Ngoại có đi đâu! Ngoại ở đây mà '.
Vậy là nó nín. Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo 'Mẹ có đi đâu! Mẹ ở đây mà!' rồi lấy tay đặc lên ngực, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẵng nín, lại ôm nó khóc to hơn.
…
Những tháng ngày qua sống xa nhà, công việc lúc rảnh rỗi của tôi là lướt Facebook, thi thoảng lại đặt vé máy bay đi du lịch lúc nghỉ lễ, số cuộc gọi về cho bố mẹ tỷ lệ nghịch với số lượng mối quan hệ được mở rộng.
Chúng ta có nhiều niềm vui lắm, nhưng bố mẹ chỉ có số ít niềm vui mỗi ngày, trong đó có cuộc gọi điện thoại từ các con thôi.
Thế nên trong 'To do list per day' của tôi bây giờ, luôn có cả 'gọi cho bố mẹ + gọi cho bố mẹ nhiều hơn' vì ông mặt trời chỉ có một mà thôi, và bố mẹ ta chỉ có một trên đời…
Theo Dung Nhi/Baodatviet.vn
0 nhận xét: